Cách đây 40 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có được thắng lợi vĩ đại ấy, dân tộc ta đã trải qua những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ, đã kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của con người và văn hóa Việt Nam.
Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn nhất, dài nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 360.000 tên Mỹ và chư hầu, tổng chi phí cho chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam là 676 tỷ đôla Mỹ. Thất bại nhục nhã của Mỹ ở Việt Nam đã chứng minh chân lý: “Khi một dân tộc quyết tâm đoàn kết để bảo vệ độc lập, chủ quyền thì không một thế lực nào có thể khuất phục nổi”.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, dân chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng; là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bản anh hùng ca bất hủ, là thắng lợi của ý chí kiên cường, trí tuệ thông minh, đức hy sinh cao cả và lòng dũng cảm tuyệt vời của cả dân tộc Việt Nam. Là thắng lợi của một chân lý được chứng minh một dân tộc biết đoàn kết chặt chẽ và kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì nhất định sẽ giành và giữ được độc lập thực sự của mình, và là thắng lợi của cuộc chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường, bền bỉ của nhân dân miền Nam anh hùng, đứng trên tuyến đầu chống Mỹ, với sức mạnh hậu phương lớn của miền Bắc gắn bó máu thịt chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng quân thù. Đó là thắng lợi của tình đoàn kết keo sơn của nhân dân ta với nhân dân hai nước Lào, Campuchia và nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Năm tháng trôi qua, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh đã làm cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn đổi mới rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Có thể khẳng định, Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thành quả vĩ đại về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Sức mạnh đoàn kết dân tộc đó được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử, nhưng đã được nâng lên một tầm cao mới trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Đã 40 năm trôi qua, nhưng bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta bổ sung, phát triển cả về quan điểm, nhận thức và hành động. Chính từ sức mạnh của khối đại đoàn kết mà đất nước ta đã thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của chúng ta đã trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia, dân tộc học tập, noi theo.
Ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, chúng ta càng tự hào về Đảng quang vinh và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Người đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Người là linh hồn của ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là biểu tượng cho tinh hoa văn hoá nhân loại, kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống văn hoá cao đẹp của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Người luôn toả sáng bởi lòng nhân ái cao cả và đạo đức cách mạng trong sáng.
Chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các thế hệ nhà giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn thầy giáo, cô giáo đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường đánh Mỹ và góp sức xây dựng sự nghiệp giáo dục ở miền Nam. Nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Năm 1968, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Công đoàn Giáo dục đã vận động nhà giáo tổ chức giảng dạy, tham gia quản lý nhà trường phù hợp với tình hình thời chiến và làm tròn nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, hàng ngàn giáo viên lần lượt lên đường vào Nam trực tiếp cầm súng bảo vệ tổ quốc. Lực lượng nhà giáo cách mạng ở vùng giải phóng và vùng tạm chiếm luôn luôn là những chiến sĩ ngoan cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng, duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục, nhiều nhà giáo đã lập công xuất sắc, hơn 2 ngàn nhà giáo đã anh dũng hy sinh mà ngày nay nhân dân, giáo viên và học sinh miền Nam vẫn còn ghi nhớ. Nhiều nhà giáo đã tích cực đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục miền Nam, được đồng bào hết sức trân trọng.
Cùng với việc chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giáo dục miền Nam, trong điều kiện giặc Mỹ đánh phá ác liệt, đội ngũ nhà giáo vẫn miệt mài, ngày đêm bám trường bám lớp, khắc phục muôn vàn khó khăn, sơ tán, phân tán trường học, đào hầm hào đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Có những nhà giáo đã hy sinh anh dũng để bảo vệ và duy trì việc học tập cho con em nhân dân, tiêu biểu là Nhà giáo - Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân ở Thái Bình; 11 thầy cô giáo đã bị quân Pôn pốt-Iêng XaRy giết hại năm 1977 ở Tân Biên,... Nhiều nhà giáo đã lập công xuất sắc trở về tiếp tục đứng trên bục giảng để giảng tiếp bài học còn dang dở bởi chiến tranh; nhiều nhà giáo vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, di chứng của chiến tranh, viết nên pho sử vàng về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước, sự hy sinh xả thân vì nghĩa lớn của các thầy giáo, cô giáo, những người thầy cầm súng. Chúng ta nghiêng mình cảm phục và tri ân những tấm gương Nhà giáo - Chiến sĩ đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giành độc lập tự do cho dân tộc và tham gia xây dựng nền giáo dục giải phóng ở miền Nam.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, đảng viên, nhà giáo, người lao động trong Ngành Giáo dục thi đua học tập, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Mỗi thầy giáo, cô giáo hãy luôn là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, tích cực, chủ động, quyết liệt chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục, tạo môi trường sư phạm thân thiện, an toàn, gắn bó giữa thầy và trò, đồng thời ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam
|