Địa chỉ: Phòng 417, K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại: (05113) 827 111 (417) - (05113) 652 608
Chính sách và thể chế xác lập tiền lương cần được cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đang thay đổi và đảm bảo rằng việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Đó là thông điệp chính tại cuộc hội thảo quốc gia về “Chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh Kinh tế thị trường và Hội nhập” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25-26/11. Hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng giữa phát triển doanh nghiệp và đảm bảo người lao động được hưởng lợi công bằng từ việc tăng năng suất lao động của doanh nghiệp. “Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách mạnh mẽ và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách tiền lương, để phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng và kinh tế khu vực và toàn cầu,” bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng LĐTBXH phát biểu. Tại Việt Nam, chỉ khoảng một phần ba số người có việc làm được hưởng lương, khá thấp so với trung bình của thế giới là 50%. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến sẽ thu hẹp khoảng cách này vì tỷ lệ lao động hưởng lương trong tổng số lao động có việc làm sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới. Trong năm 2013, số lao động làm công ăn lương chiếm 34,8% trong tổng số việc làm, tăng cao so với mức 16,8% của năm 1996. “Số người lao động hưởng lương đang tăng nhanh tại các quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Do vậy mức lương và sức mua của tiền lương có ảnh hưởng lớn đối với mức sống,” bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc ILO nhận định. “Tiền lương có đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản của người lao động hay không sẽ quyết định không chỉ liệu người dân có nuôi được gia đình hay không, mà còn có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái họ hay không.” Xác lập mức lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai công cụ quan trọng, bổ trợ cho nhau trong hệ thống điều chỉnh tiền lương của một nền kinh tế thị trường. Trong khi mức lương tối thiểu bảo vệ những người lao động nghèo nhất, thì thương lượng tập thể đem lại cơ hội điều chỉnh tiền lương cho những người có thu nhập cao hơn mức lương tối thiểu. Việc phát triển quan hệ lao động hài hòa có thể giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng với những thay đổi do hội nhập sâu rộng hơn ở cấp khu vực và toàn cầu mang lại. Sự ra đời của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2013 đánh dấu sự cải thiện đáng kể của cơ chế xác định tiền lương tối thiểu tại Việt Nam. Hội đồng tạo điều kiện cho công đoàn và đại diện giới sử dụng lao động thương lượng về tiền lương tối thiểu và đưa ra khuyến nghị. Trong khi Việt Nam đã đạt những bước tiến lớn trong việc xác định tiền lương tối thiểu, thì thương lượng tập thể về tiền lương vẫn còn rất hạn chế. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng LĐTBXH cho biết: “Thương lượng tiền lương chưa đi vào thực chất ở Việt Nam. Nhiều khi do sức ép việc làm mà thương lượng bị bỏ qua.” Lỗ hổng này thường dẫn tới đình công tự phát khi người lao động tìm cách đạt được những cải thiện về tiền lương hoặc điều kiện làm việc. “Mức lương tối thiểu không thể là công cụ duy nhất để xác lập tiền lương”, bà Polaski khẳng định. “Thương lượng tập thể cung cấp cho người lao động và người sử dụng lao động một cơ chế để kết nối tốt hơn giữa vấn đề tiền lương và tăng năng suất lao động, đồng thời giải quyết các tranh chấp mang tính xây dựng, đôi bên cùng có lợi.” Thương lượng tập thể cũng mang lại người lao động và người sử dụng lao động sự linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Điều này cũng lý giải tại sao các quốc gia có thiết chế thương lượng tập thể và đối thoại xã hội phát triển thường tìm ra những giải pháp sang tạo để đương đầu với những tác động của khủng hoảng kinh tế và tài chính.
Với tỷ lệ lao động làm công ăn lương gia tăng trên tổng số lao động có việc làm, và nền kinh tế hội nhập sâu hơn vào các thị trường toàn cầu, việc cải thiện và mở rộng thương lượng tập thể về tiền lương trở thành một nhu cần cấp thiết nhằm thúc đẩy một môi trường quan hệ lao động mang tính xây dựng và hài hòa.
“Các tiêu chuẩn lao động quốc tế đưa ra các khuôn khổ và công cụ hữu ích để thực hiện điều này. Việc phê chuẩn những công ước quốc tế cơ bản, như hơn 150 quốc gia khác đã làm, có thể giúp Việt Nam thực hiện những mục tiêu đó,” bà Phó tổng giám đốc ILO nói. Theo tạp chí Lao động xã hội online
|
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: